Giải pháp cho ngôi nhà thông minh

Cùng với sự tiến bộ của công nghệ là sự xuất hiện rất nhiều giải pháp ứng dụng vào cuộc sống. Trong đó công nghệ tự động hoá trong việc điều khiển mọi thiết bị trong nhà giúp cho những người thân trong gia đình được bảo vệ, chăm sóc chu đáo, toàn diện.

Tại TP.HCM đã xuất hiện một số ngôi nhà thông minh ở các khu biệt thự Phú Mỹ Hưng, Q.7; Thảo Điền, Q.2…

Ở thị trường Việt Nam, công nghệ tạo nên ngôi nhà thông minh chủ yếu xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc với các thương hiệu nổi tiếng như Crestron, Honeywell, Kocom, AV Tech… Một hệ thống ngôi nhà thông minh nối mạng tự động hoá toàn diện phải bao gồm một cấu trúc với ba phần chính là: an toàn bảo mật, tiện nghi cuộc sống, kiểm soát toàn diện. Theo từng phần, các hãng sản xuất tạo nên những thiết bị tương ứng để đáp ứng vào ngôi nhà thông minh.

- Với an toàn bảo vệ chính là hệ thống chuông cửa màn hình, camera quan sát, cho phép người trong nhà có thể giao tiếp, quan sát bên ngoài mà không cần phải bước ra cửa chính. Người sử dụng có thể biết trước được khách viếng thăm mình là ai, có thích hợp để tiếp đón hoặc đưa ra lời từ chối khéo léo thông qua hệ thống loa ngoài ở cổng chính. Còn với camera quan sát toàn diện hơn sẽ giúp người trong gia đình theo dõi được hoạt động của bọn trẻ ở phòng ngủ, ở phòng khách vui chơi ngay cả khi không có ở nhà nhờ vào hệ thống kết nối quan sát và điểu khiển từ xa qua mạng internet.

- Với tiện nghi cuộc sống chính là đảm bảo được mọi thiết bị trong nhà được kết nối với nhau thành một hệ thống như tủ lạnh, máy lạnh, ti vi, đèn chiếu sáng, cửa chính, cổng garage để xe… Mọi thứ được liên thông với nhau và chỉ cần một bảng điều khiển duy nhất cho phép tắt mở đèn, bật ti vi xem bộ phim yêu thích hoặc điều chỉnh máy lạnh tự hoạt động trước khi về tới nhà bằng các công cụ như: tin nhắn sms, điện thoại để bàn v.v.... 

- Với kiểm soát toàn diện chính là hệ thống điều khiển kết nối liên thông từ mọi thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, máy tính, kết nối qua mạng internet để người sử dụng dù ở bất cứ đâu cũng có thể theo dõi được mọi hoạt động trong nhà. Hệ thống là sự kết hợpcủa công nghệ điều khiển và tự động hoá với các kỹ năng kiểm soát đặc biệt trong quản lý an ninh và năng lượng nhằm duy trì sự thuận tiện và làm chủ thông tin cho người sử dụng. 

Như vậy với một ngôi nhà thông minh tự động hoá cao cấp nhất phải đảm ứng đủ ba thành phần và chi phí đầu tư cho một hệ thống như vậy không dưới 100 triệu đồng. Còn ở mức thấp hơn, từ 20 – 80 triệu đồng chỉ là ứng dụng 1 trong 3 phần, tạo nên phiên bản ngôi nhà thông minh rút gọn. 

Chẳng hạn với nhiều gia đình, chỉ có nhu cầu lắp đặt hệ thống camera quan sát, kết hợp với chuông cửa màn hình nhằm mục đích tiếp khách viếng thăm hoặc bảo vệ an toàn cho cả gia đình. Trường hợp khác, chủ hộ chỉ yêu cầu được lắp đặt hệ thống điểu khiển các thiết bị chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh, ti vi tập trung với nhau duy nhất bằng một bảng điều khiển. Và ở thành phần thứ ba là bước mở rộng tối đa cho camera quan sát, hoặc kiểm soát thông báo trực tiếp về các thiết bị trong gia đình trực tiếp đến người sử dụng nếu được yêu cầu. 

Do vậy, tuỳ theo khả năng và cấp độ của một ngôi nhà, chủ hộ sẽ được các công ty chuyên về các giải pháp nhà thông minh tư vấn thành những gói riêng biệt với chi phí khác nhau. 

Ở những giải pháp cơ bản như lắp camera quan sát và chuông cửa màn hình thì không cần đòi hỏi nhiều về các giải pháp phần mềm điều khiển, do mọi thiết bị đều có khả năng kết nối trực tiếp với nhau qua dây dẫn hoặc kết nối không dây theo tần số. 

Còn ở phần hai, là một hệ thống kết nối trực tiếp vào lưới điện của cả nhà, kết hợp với thiết bị xử lý trung tâm và phần mềm điều khiển thông qua bảng điều khiển trung tâm nên sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi chủ hộ cần được tư vấn về các thiết bị điều khiển kết nối và điều khiển phải đồng bộ với nhau. Để phần này hoạt động hiệu quả, đỏi hỏi phải có sự chọn lựa đồng nhất từ bảng điều khiển, camera, chuông cửa đều dùng chung của một hãng thì nguy cơ xung đột sẽ hạn chế. Còn phần ba sẽ hoạt động tốt nếu hệ thống điều khiển trung tâm bao gồm máy tính, bảng điều khiển ở phần hai đã vận hành không trục trặc. 

Tóm lại, nếu chủ hộ có nhu cầu lắp đặt giải pháp ngôi nhà thông minh cho cả gia đình thì nên lưu ý đến nhu cầu và mục đích sử dụng vì một hệ thống toàn diện với đủ ba phần đúng chuẩn cho một ngôi nhà thông mình hoàn toàn không đơn giản do thiết bị ở Việt Nam còn hạn chế, đồng thời phải có sự đồng nhất giữa các hãng từ camera, chuông cửa, ti vi, máy lạnh phải hỗ trợ cho nhau kể cả sự tương thích giữa phần mềm, bảng điều khiển trung tâm... Và cuối cùng là chi phí của giải pháp tổng thể hiện còn ở mức “ngoài sức tưởng tượng” cho nhiều người.
Nguồn: internet